Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Hà Nội quan tâm bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”, huy động các tầng lớp nhân dân tham gia phòng cháy, chữa cháy; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy...
Sáng 9/8, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm của UBND TP về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ năm 2023.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu chính UBND TP Hà Nội đến điểm cầu tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.
Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho biết, tính đến ngày 21/7/2023, trên địa bàn TP có 1.736.768 nhà ở hộ gia đình, trong đó có 1.628.344 hộ gia đình chỉ để ở; 108.422 nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Tính đến nay có 102.034/108.422 (đạt 94,1%) hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh đã mở lối thoát nạn thứ 2...
Tính đến ngày 5/8/2023, TP đã thành lập, duy trì hoạt động 7.223 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; xây dựng, lắp đặt 18.201 điểm chữa cháy công cộng. Công an các quận, huyện, thị xã đã tổ chức thực tập 1.044 phương án chữa cháy tại các Tổ liên gia trên địa bàn 579 phường, xã, thị trấn. Phấn đấu hết quý III-2023, 100% Tổ liên gia được thực tập phương án chữa cháy.
Về triển khai kế hoạch xử lý các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra an toàn về PCCC đối với 7.467 lượt cơ sở; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 821 trường hợp với tổng số tiền phạt gần 43 tỷ đồng; đề xuất, ban hành quyết định đình chỉ hoạt động 848 trường hợp. Từ khi triển khai kế hoạch đến nay, đã kéo giảm 581 công trình (chiếm 20,3% tổng số công trình)...
Phát biểu tại hội nghị, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả đã đạt được trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua của TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, đây mới là kết quả bước đầu, TP vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nghiêm trọng về cháy, nổ.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, số lượng công trình vi phạm đã đưa vào sử dụng, vi phạm tồn tại trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực của Hà Nội còn rất lớn, chiếm khoảng 40% cả nước; công tác phối hợp giữa các đơn vị còn chưa chặt chẽ; chất lượng các mô hình phòng cháy, chữa cháy chưa thực chất và phát huy hiệu quả...
Nhận định an ninh con người phải là trung tâm, chủ thể trong mọi hoạt động về an ninh, trật tự, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long đề nghị Hà Nội quan tâm bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”, huy động các tầng lớp nhân dân tham gia PCCC. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân trang bị các thiết bị, tập huấn các kỹ năng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đặc biệt là trong các cơ sở giáo dục về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC...
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công an để khẩn trương kịp thời chỉ đạo các đơn vị xây dựng triển khai các kế hoạch theo các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại hội nghị.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị khắc phục tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng Công an, cho chính quyền, lơ là trong công tác PCCC bởi đây là nguyên nhân chủ quan của tồn tại, hạn chế. Đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị Công an TP tham mưu, kết hợp Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, kiểm tra dấu hiệu vi phạm với các đơn vị đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn để xảy ra vi phạm PCCC.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng đề nghị lãnh đạo các quận, huyện, thị xã rà soát các Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng, tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, quy trình, bố trí trang thiết bị đầy đủ, vận hành thực sự thực chất, tránh hình thức.
Vận động người dân lắp báo cháy tự động
Tại hội nghị, Công an TP Hà Nội đã báo cáo rút kinh nghiệm về công tác tổ chức chữa cháy đối với 3 vụ cháy gần đây: Vụ cháy tại cửa hàng xe máy điện Ánh Dương, xã An Khánh (huyện Hoài Đức), vụ cháy tại ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa), vụ cháy tại 24A Thành Công (quận Hà Đông).
Theo Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hà Nội, cả 3 vụ cháy nêu trên đều gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Cụ thể, vụ cháy nhà dân tại quận Hà Đông gây thiệt hại 4 người chết; vụ cháy tại ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa gây thiệt hại 3 người chết; vụ cháy tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức gây thiệt hại 3 người chết, hầu hết tài sản đều ám khói, hư hỏng…
Về nguyên nhân cháy, vụ cháy tại cửa hàng xe máy điện 24A Thành Công (quận Hà Đông là do chập điện trên trần giả bằng nhựa tầng 1 sau đó cháy lan trên tầng trên; vụ cháy tại ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa) sơ bộ do chập điện tại phòng chứa hàng hóa phía trước dẫn đến cháy; vụ cháy tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức) xác định do chập điện tại khu vực kinh doanh, trưng bày xe máy điện, xe đạp điện ở tầng 1 gây cháy.
Thời điểm xảy ra cháy đều từ nửa đêm về sáng, vào thời điểm này người dân đều đang ngủ nên không phát hiện từ ban đầu, khi phát hiện đã cháy lớn, tất cả các vụ đều do người dân xung quanh phát hiện và báo cháy, lúc đó đã cháy lớn nên thiệt hại nghiêm trọng. Cả 3 công trình đều có lối thoát nạn thứ 2 tại các tầng ra ban công hoặc có cửa ra tum, tại An Khánh (Hoài Đức) có cửa thoát nạn là cửa sổ, tuy nhiên khi cháy đều không thoát nạn được, điều này liên quan đến phát hiện cháy chậm. Cả 3 công trình này người dân đã có tham gia tập huấn về PCCC.
Thời gian tiếp cận của lực lượng PCCC với 3 vụ cháy đều nhanh, do thời điểm báo cháy vào sáng sớm chưa ảnh hưởng bởi giao thông, việc chữa cháy theo đúng phương án chữa cháy với nhà ống; có 2/3 công trình đã được ký cam kết về PCCC với UBND phường.
Qua 3 vụ việc, đề xuất liên quan đến giải pháp phòng ngừa, Thượng tá Ngô Thanh Lâm đề xuất, các vụ cháy đều xảy ra sáng sớm do vậy việc phát hiện cháy sớm hạn chế. Do đó cần tuyên truyền, vận động người dân lắp báo cháy tự động với công trình nhà ở riêng lẻ và các hộ sản xuất, kinh doanh; đồng thời về lâu dài trong các quy định cần có nội dung lắp đặt báo cháy tự động với nhà ở riêng lẻ, hộ sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, Công an TP Hà Nội đề xuất công an các quận, huyện, thị xã tuyên truyền để người dân mở các lối thoát nạn khẩn cấp từ các phòng ngủ bởi thực tế 3 vụ việc nêu trên phòng ngủ đều có thể mở lối thoát khẩn cấp…
Chi Linh