Bài 1- Đề án số 10: Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

 Triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 118-KH/ĐUCA ngày 25/5/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 15/3/2023, Bộ Công an đã ban hành “Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Đây là Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm cơ sở để định hướng chỉ đạo xây dựng, phát triển lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH từ nay đến năm 2030 với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể, khoa học; thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, cũng như công tác PCCC và CNCH.

 Bám sát quan điểm, chỉ đạo tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 118-KH/ĐUCA ngày 25/5/2022 Đảng ủy Công an Trung ương, nhằm góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân từ nay đến năm 2030 thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Đề án đã đề ra các mục tiêu cụ thể và định hướng lộ trình theo từng giai đoạn để xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, phấn đấu đến năm 2030 tiến lên hiện đại, như sau:

1. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện, huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH là một bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân, sắc bén, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

2. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên; xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH từ Trung ương đến địa phương trong sạch, vững mạnh toàn diện; phấn đấu 100% tổ chức đảng trong lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có từ 80% số đảng viên trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

3. Xây dựng hệ thống tổ chức lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH từ Trung ương đến địa phương đảm bảo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh, gọn, mạnh; hoàn thiện vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, phù hợp với tình hình thực tiễn.

4. Xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh toàn diện, tinh nhuệ, bảo đảm số lượng, chất lượng; nhất là đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy đủ phẩm chất, bản lĩnh, sáng tạo, gương mẫu, có năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; một bộ phận cán bộ đủ năng lực, trình độ làm việc trong môi trường quốc tế; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường; phấn đấu đến năm 2030 trên 70% cán bộ có trình độ đại học Công an và trung cấp lý luận chính trị trở lên, trên 30% tổng số cán bộ đủ năng lực, trình độ làm việc trong môi trường quốc tế.

5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt công tác nghiệp vụ PCCC và CNCH; thường trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động trong mọi tình huống liên quan đến cháy, nổ, tai nạn, sự cố, không để bị động, bất ngờ.

6. Nâng cao tiềm lực hậu cần, kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị PCCC và CNCH hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số, tự động hóa, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong công tác PCCC và CNCH; tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC và CNCH.

Trong những năm tới, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn định, đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự. Kinh tế - xã hội trong nước dự báo tiếp tục đi vào ổn định, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhanh chóng khôi phục và đi vào hoạt động sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra cháy, nổ; cùng với đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, địa phương đã tác động không nhỏ đến việc triển khai các biện pháp, nhiệm vụ công tác công an nói chung và nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nói riêng. Do đó, để phấn đấu đạt được các mục tiêu xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Đề án đưa ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để toàn lực lượng tổ chức triển khai thực hiện.

- Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương và UBND các cấp, sự giám sát của Nhân dân đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Huy động sức mạnh tổng hợp, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác PCCC và CNCH và xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Thường xuyên sơ kết, tổng kết bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của Nhân dân đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể bảo đảm thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên trong lực lượng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Hai là, thường xuyên rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, đảm bảo biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lực lượng Cảnh sát chữa cháy và CNCH đặc biệt tinh nhuệ tại các địa phương trung tâm, trọng điểm của 06 vùng kinh tế, xã hội để xử lý các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố đặc biệt phức tạp và thực hiện nhiệm vụ quốc tế khi có yêu cầu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của lực lượng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên gia giỏi. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Đại học PCCC; tăng cường thực hành, thực tế; nghiên cứu, xây dựng các mô hình mô phỏng sát với thực tiễn để phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện.

- Ba là, đổi mới công tác nghiệp vụ PCCC và CNCH; công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ huy; tăng cường tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Chủ động đổi mới về tư duy, nhận thức, lấy người dân là trung tâm; đổi mới nội dung, phương pháp quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, công tác lãnh đạo, chỉ huy theo hướng bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, mệnh lệnh công tác, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến lề lối, tác phong làm việc, tinh thần phục vụ Nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH; tập trung tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn cho người dân; kịp thời tuyên truyền gương chiến đấu, hy sinh, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong công tác PCCC và CNCH. Quan tâm chỉ đạo các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

- Bốn là, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế hoạt động, phối hợp của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; phấn đấu đến 2030 hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC và CNCH cơ bản hoàn thiện, ổn định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tập trung tiến hành tổng kết việc thi hành Luật PCCC năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật PCCC và CNCH, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, vững chắc về tổ chức, hoạt động và cơ chế hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng trong và ngoài Công an nhân dân, đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng thuộc Quân đội nhân dân trong công tác chữa cháy và CNCH, cũng như công tác ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Năm là, bảo đảm tiềm lực cơ sở vật chất, khoa học, công nghệ, trang bị hiện đại, đồng bộ; phấn đấu chỉ tiêu các nguồn tài chính trong mỗi giai đoạn 03 năm phải tăng thêm ở mức độ phù hợp so với giai đoạn 03 năm trước. Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn tài chính phục vụ công tác thường xuyên, đột xuất của lực lượng; nâng cao năng lực dự trữ, dự phòng chiến đấu đảm bảo sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, chuyển giao công nghệ, trang thiết bị PCCC và CNCH; nghiên cứu, phát triển sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, sản phẩm lưỡng dụng. Đầu tư xây dựng Đại học PCCC theo hướng hiện đại, cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến, đồng bộ phục vụ công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Đẩy mạnh ứng dụng và nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số trong công tác PCCC và CNCH.

- Sáu là, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Mở rộng hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của các nước. Tập trung “đi tắt, đón đầu”; nghiên cứu, đề xuất ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác với các đối tác truyền thống trong một số mặt công tác nghiệp vụ PCCC và CNCH. Xây dựng kế hoạch dài hạn trong hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm để đội ngũ CBCS có khả năng tiếp cận với tinh hoa tri thức khoa học tiên tiến trong lĩnh vực PCCC và CNCH của thế giới. Ưu tiên cử cán bộ của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, giảng viên của Trường Đại học PCCC đi học tại nước ngoài theo các đề án sử dụng ngân sách nhà nước, các chương trình học bổng của nước ngoài, đề án đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường đại học; mở rộng các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài về lĩnh vực PCCC và CNCH, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên mang tính cơ bản, cốt lõi, toàn diện các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Để tập trung triển khai hiệu quả, có trọng điểm, Đề án xác định 04 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá: Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Hai là, hoàn thiện quy định về chức năng nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, biên chế; cơ chế hoạt động và chế độ chính sách đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Ba là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Bốn là, huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa, các nguồn kinh phí hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Phát huy truyền thống vẻ vang hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quyết tâm phấn đấu xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thường xuyên nêu gương, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, bản lĩnh chính trị, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Đồng thời, thể hiện ý chí, trách nhiệm của toàn lực lượng về khát vọng và niềm tin xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, mỗi người dân Việt Nam được hưởng thụ cuộc sống ấm no, hạnh phúc và thanh bình; xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng đất nước hùng cường, phát triển và phồn vinh./.

Phòng Tham mưu/Cục Cảnh sát PCCC và CNCH

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Liên hệ qua Zalo
hotline
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Xin chào
close nav
DANH MỤC
DANH MỤC SẢN PHẨM