Tình hình cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ: Từ ngày 15/01 - 14/6/2023, toàn quốc xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người, bị thương 43 người, tài sản thiệt hại ước tính 87,15 tỷ đồng và 149,08 ha rừng; xảy ra 05 vụ, làm 03 người chết và 10 người bị thương; lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trực tiếp tham gia 565 vụ CNCH; tổ chức cứu được 193 người, tìm được 389 thi thể bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Địa bàn xảy ra cháy: Thành thị xảy ra 502 vụ (chiếm 57,0%); nông thôn xảy ra 379 vụ (chiếm 43,0%). Cháy vẫn tập trung tại khu vực nhà dân, khu dân cư nhưng chủ yếu là các vụ cháy nhỏ; các vụ cháy tại các cơ sở sản xuất, kho tàng và phương tiện giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp. Số vụ cháy xảy ra tại nhà dân là 320 vụ (chiếm 33,6%); 124 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 13,4%); 99 vụ cháy phương tiện giao thông (chiếm 10,7%); 82 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm 8,9%); 60 vụ cháy rừng (chiếm 6,5%); 24 vụ cháy chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa (chiếm 2,6%); 12 vụ cháy trụ sở làm việc (chiếm 1,3%); 11 vụ cháy chung cư (chiếm 1,2%); 04 vụ cháy cơ sở giáo dục (chiếm 0,4%); 03 vụ cháy quán bar, karaoke (chiếm 0,3%) và 142 vụ cháy các loại hình cơ sở khác (chiếm 16,1%).
Nguyên nhân các vụ cháy: Đã điều tra làm rõ nguyên nhân 455/881 vụ (chiếm 49,2%). Trong đó: do sự cố hệ thống, thiết bị điện 299 vụ (chiếm 32,4%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 79 vụ (chiếm 8,5%); do sự cố kỹ thuật 07 vụ (chiếm 0,8%); do tai nạn giao thông 03 vụ (chiếm 0,3%); do vi phạm quy định an toàn PCCC 01 vụ (chiếm 0,1%); do tự cháy 16 vụ (chiếm 1,7%); do tác động hiện tượng thiên nhiên 02 vụ (chiếm 0,2%) và nguyên nhân khác 48 vụ (chiếm 5,2%). Đang tiếp tục điều tra 426/881 vụ (chiếm 50,8%). Nguyên nhân các vụ nổ đang được điều tra làm rõ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an các địa phương đã xuất trên 5.300 lượt phương tiện, gần 7.400 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tổ chức thực hiện 826/881 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn và hướng dẫn thoát nạn cho hàng trăm người; tổ chức di chuyển và cứu được lượng lớn tài sản trị giá trên 88 tỷ đồng.
Về cháy lớn: Toàn quốc xảy ra 18 vụ cháy lớn, không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính được khoảng 81,94 tỷ đồng. Cháy lớn tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ (16/18 vụ), chợ (01/18 vụ), kho hàng hóa (01/18 vụ); trong đó, có 11/18 vụ xảy ra vào ban ngày, trong giờ làm việc (chiếm 61,1%); 07/18 vụ xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ làm việc (chiếm 38,9%); có 08/18 vụ cháy vào ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật, lễ, tết); cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, kho tàng có các mặt hàng dễ cháy (như Bình Dương 03 vụ; Hải Phòng 02 vụ; Bắc Ninh, Bình Phước, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Long An, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Long mỗi nơi 01 vụ). Xảy ra 34 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người (trong đó, nhà ở riêng lẻ xảy ra 19/34 vụ, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh xảy ra 09/34 vụ; 06/34 vụ cháy loại hình khác), làm chết 45 người, bị thương 15 người, thiệt hại về tài sản trên 2,56 tỷ đồng.
Thời gian tới, trước tình hình nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy khi sử dụng điện gia tăng, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo người dân: Không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không câu móc điện tùy tiện; không để hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần các thiết bị điện sinh nhiệt; thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện và mạng điện hư hỏng; khi sử dụng thiết bị sinh nhiệt như bàn là, bếp điện… phải có người trông coi; ngắt nguồn các thiết bị điện khi không sử dụng; khi cải tạo, lắp mới hệ thống điện phải lựa chọn dây dẫn có tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện; phải có thiết bị tự ngắt khi chập mạch, quá tải. Bên cạnh đó, để phòng ngừa đuối nước cho trẻ em, Bộ Công an khuyến cáo: Trang bị kỹ năng bơi cho trẻ. Khi trẻ tắm, vui chơi cần có người lớn giám sát; mặc áo phao khi đi phương tiện thủy. Lấp các hố sâu, giếng nước không cần thiết. Khi phát hiện người đuối nước phải hô hoán và dùng các vật dụng (cây sào, phao, dây…) để kịp thời cứu nạn; tuyệt đối không nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi. Người lớn cần chủ động trang bị kiến thức về sơ cứu người bị đuối nước.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH