Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định số 105/2025/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức, cá nhân không phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lưu thông đối với phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật do cùng một đơn vị sản xuất, lắp ráp hoặc do cùng tổ chức, cá nhân nhập khẩu đúng với mẫu phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lưu thông trước đó.
Ngày 29/11/2024, Quốc hội ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Luật PCCC và CNCH số 55/2024/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Trên cơ sở đó, ngày 15/5/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và CNCH. Theo quy định tại Điều 23 và Phu lục V kèm theo Nghị định số 105/2025/NĐ-CP, máy bơm chữa cháy các loại, bơm của hệ thống chuyên dùng trên xe chữa cháy là các phương tiện PCCC, CNCH thuộc diện cấp Giấy phép lưu thông.
Theo đó, “Giấy phép lưu thông được cấp cho mẫu phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, .... Phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ... được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu theo mẫu đã được cấp giấy phép thì được phép lưu thông trên thị trường.
Tổ chức, cá nhân không phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lưu thông đối với phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ... nếu phương tiện ...có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật do cùng một đơn vị sản xuất, lắp ráp hoặc do cùng tổ chức, cá nhân nhập khẩu đúng với mẫu phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ... đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lưu thông trước đó”
Đối với máy bơm chữa cháy là sản phẩm được lắp ráp từ các phần bơm và phần động cơ khác nhau, từ đó tạo thành một máy bơm chữa cháy hoàn chỉnh với đặc tính thủy lực xác định, được thể hiện thông qua đường đặc tính lưu lượng - cột áp (Q-H) khi thử nghiệm ở một tốc độ vòng quay xác định. Trong thực tế, nhà sản xuất thường không công bố toàn bộ dải lưu lượng làm việc của máy bơm mà chỉ công bố tại một điểm làm việc hoặc một khoảng lưu lượng tương ứng với vị trí được tùy chỉnh để đạt được hiệu suất cao nhất và phù hợp với hồ sơ thiết kế các dự án, công trình. Do đó, sẽ gây khó khăn trong việc đối chiếu các đặc tính kỹ thuật của máy bơm chữa cháy đã được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu theo mẫu đã được cấp phép lưu thông.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn người sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu máy bơm chữa cháy và chủ đầu tư, nhà thầu liên quan cần lưu ý:
1. Lập hồ sơ đăng ký cấp phép lưu thông máy bơm chữa cháy các loại, bơm của hệ thống chuyên dùng trên xe chữa cháy với thông tin đầy đủ, trung thực, đúng tên tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, đầy đủ các thông số kỹ thuật để làm cơ sở cho việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu máy bơm chữa cháy đúng theo mẫu đã được cấp phép.
Đối với đặc tính kỹ thuật, cần cung cấp đầy đủ đặc tính thủy lực của máy bơm chữa cháy tại tốc độ vòng quay danh định do nhà sản xuất công bố, kèm theo các đặc tính kỹ thuật có liên quan: dải lưu lượng – cột áp, đường kính cánh, hiệu suất thủy lực, công suất thủy lực, chiều sâu hút, đặc tính động cơ.... Trong đó, đối với thông số về dải lưu lượng – cột áp của máy bơm, cần công bố tối đa dải lưu lượng, cột áp mà máy bơm có thể làm việc kèm theo kết quả thử nghiệm chi tiết tại các điểm làm việc theo quy định thử nghiệm đặc tính bơm tại TCVN 8531:2010 ISO 9905:1994, đáp ứng yêu cầu tại QCVN 03:2023/BCA hoặc yêu cầu của bơm cấp 2 -Grade 2 khi phân loại theo ISO 9906 (chi tiết về lựa chọn các điểm thử nghiệm trên đường đặc tính xem tại ví dụ 1);
Căn cứ hồ sơ đề nghị, cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ cấp phép lưu thông đối với máy bơm chữa cháy có dải làm việc đã thử nghiệm. Kết quả này được áp dụng cho các máy bơm chữa cháy được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu tương ứng có thông số kỹ thuật nằm trong dải làm việc đã được cấp phép.
2. Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu máy bơm chữa cháy cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại đúng theo mẫu đã được cấp phép, thông số kỹ thuật phù hợp với thông số của máy bơm chữa cháy đã được cấp phép lưu thông, với điểm làm việc, dải làm việc nằm trong vùng làm việc của máy bơm chữa cháy được cấp phép lưu thông (xem ví dụ 2).
3. Để bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà, công trình, trong quá trình thi công, nghiệm thu về PCCC, chủ đầu tư và các nhà thầu liên quan cần lưu ý:
(1) Lựa chọn các loại máy bơm chữa cháy có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, do các đơn vị có uy tín sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, có thông tin ghi nhãn đầy đủ, tài liệu kỹ thuật công bố phù hợp với giấy phép lưu thông đã được cấp và phù hợp hồ sơ thiết kế đã được duyệt.
(2) Xem xét kỹ hồ sơ kỹ thuật của phương tiện PCCC, CNCH; có thể yêu cầu người sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu cung cấp Giấy phép lưu thông phương tiện PCCC, CNCH (văn bản có chữ ký điện tử) để xác thực.
(3) Trường hợp cần thiết, chủ đầu tư có thể chủ động yêu cầu người cung cấp đưa máy bơm chữa cháy đến các đơn vị thử nghiệm, kiểm định đã được cấp Giấy đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật để thực hiện thử nghiệm, đánh giá lại.
(4) Trường hợp phát hiện hồ sơ có dấu hiệu làm giả, phương tiện PCCC, CNCH có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng cần cung cấp thông tin phản ánh đến cơ quan Cảnh sát PCCC, CNCH đã cấp phép lưu thông trước đó để được tiếp nhận, xử lý theo quy định.
Phòng 6/Cục Cảnh sát PCCC và CNCH