Lan tỏa phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”

Với mục tiêu mỗi người dân đều là chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC), mỗi bình chữa cháy tại hộ gia đình là vũ khí hữu hiệu để chiến đấu với “giặc lửa”, phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” được các cấp chính quyền và lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở phát động bằng nhiều hình thức, nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Xã Thanh là xã miền núi biên giới có tỉ lệ hộ gia đình được trang bị bình chữa cháy cao nhất trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Để đạt được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực “vượt khó” của các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng công an xã. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của “thời điểm vàng” trong chữa cháy cũng như vai trò của bình chữa cháy xách tay tại hộ gia đình để nâng cao nhận thức cho người dân, công an xã đã vận động được nguồn xã hội hóa để trao tặng 600 bình chữa cháy cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã.

Trung tá Dương Trung Kiên, Trưởng Công an xã Thanh, cho biết: Xã Thanh là xã miền núi biên giới có 95% đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên quá trình tuyên truyền, vận động bà con trang bị bình chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Lực lượng công an xã đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu từ đó đồng lòng thực hiện phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”.

Còn tại xã Gio Quang, huyện Gio Linh, trên 90% hộ dân trên địa bàn đã trang bị bình chữa cháy. Đây cũng là địa phương có tỉ lệ bình chữa cháy cao nhất tại địa bàn huyện Gio Linh. Với mục đích lan tỏa mạnh mẽ phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” trên toàn địa bàn, Công an xã Gio Quang phối hợp với các cơ quan, đoàn thể lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại các buổi giao ban hàng tháng; tổ chức phát thanh 1 lần/tuần trên hệ thống loa truyền thanh của xã và trên trang fanpage của công an xã. Xe tuyên truyền lưu động về PCCC của công an xã tuyên truyền về tầm quan trọng của việc trang bị bình chữa cháy đến tận các thôn, xóm.

Thượng úy Nguyên Văn Nguyên, Phó Trưởng Công an xã Gio Quang chia sẻ: Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân, cơ quan, doanh nghiệp trang bị bình chữa cháy, cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng công an xã đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng bình chữa cháy. Nhờ vậy, người dân trên địa bàn đã ý thức hơn trong việc chủ động PCCC, mỗi hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp tự trang bị bình chữa cháy và các phương tiện, thiết bị chữa cháy khác. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” là “Lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân, chỉ huy ở trong dân” trong phòng, chống cháy nổ.

Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới, với quan điểm lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân trên hết, trước hết; lấy phòng ngừa là chính và phát huy tối đa các lực lượng tại chỗ và Nhân dân tham gia chữa cháy, trong đó yêu cầu 100% hộ gia đình phải tự trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy.

Việc xây dựng, nhân rộng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” tại mỗi hộ gia đình nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ hướng tới sự kịp thời, sẵn sàng về phương tiện, nhanh chóng huy động người dân tham gia chữa cháy, chớp lấy “thời điểm vàng”, góp phần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC và CNCH.

Thực hiện phong trào này, lực lượng công an các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định về PCCC. Trong đó chú trọng vào việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của trang thiết bị PCCC; trang bị kỹ năng, kiến thức, chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ cháy, sự cố cháy và giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Công tác tuyên truyền được đổi mới về hình thức, phong phú về nội dung.

Bên cạnh việc tuyên truyền thông qua buổi diễn tập tại khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, lực lượng công an đã đẩy mạnh việc tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình nhằm tất cả mọi người dân đều được trang bị kiến thức an toàn về PCCC và CNCH. Lực lượng công an các cấp cũng đã huy động nguồn lực xã hội hóa để trao tặng bình chữa cháy cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ neo đơn, già yếu, bệnh tật trên địa bàn.

Thượng tá Lê Văn Hoàng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CHCH, Công an tỉnh khẳng định: Phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” đã lan tỏa khá sâu rộng trong quần chúng nhân dân trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có gần 70% hộ gia đình được trang bị bình chữa cháy. Lực lượng công an tiếp tục triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu 100% hộ gia đình được trang bị bình chữa cháy và ít nhất 1 thành viên trong hộ gia đình có kiến thức cơ bản về PCCC và CNCH. Từ đó phát huy vai trò tích cực của toàn dân trong tham gia PCCC ở cơ sở, góp phần giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ có thể xảy ra.

Diệu Thúy

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Liên hệ qua Zalo
hotline
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Xin chào
close nav
DANH MỤC
DANH MỤC SẢN PHẨM