Đầu tháng 7 vừa qua, tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (được kiện toàn từ lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng). Đây được xem là “bước ngoặt”, giúp các lực lượng ở cơ sở phát huy tối đa vai trò của mình, hỗ trợ đắc lực và hiệu quả cho công tác bảo vệ an ninh trật tự, PCCC và CNCH tại địa phương.
Theo kế hoạch, tỉnh Kon Tum sẽ thành lập 756 Tổ bảo vệ an ninh trật tự với 2.381 thành viên. Các Tổ có nhiệm vụ hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, PCC và CNCH; quản lý hành chính về trật tự xã hội; vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
Trong thời gian qua, tại địa bàn các thôn, làng, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các lực lượng ở cơ sở và các lực lượng này được đặt dưới sự quản lý, hướng dẫn trực tiếp về nghiệp vụ của lực lượng Công an. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác của các lực lượng ở cơ sở cho thấy rằng, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ có nơi, có lúc còn chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về an ninh, trật tự chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều hình thức khác nhau và do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Do vậy, việc hợp nhất các lực lượng ở cơ sở sẽ góp phần bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ được đồng bộ, thống nhất, tinh gọn đầu mối để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất bảo đảm cho quá trình thực thi nhiệm vụ được chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn.
Trước đây lực lượng Công an cấp xã luôn được xem là “cánh tay nối dài” trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, PCCC tại cơ sở, thì nay cánh tay đắc lực ấy lại được nối dài thêm nhờ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở. Lực lượng này hoạt động như một tổ chức chính trị xã hội, làm cầu nối giúp Công an xã trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy. Điều này xuất phát từ việc họ là những người ở địa phương nên nắm vững địa bàn, am hiểu phong tục, tập quán, các mối quan hệ xã hội trong thôn, tổ dân phố, khu dân cư và cũng là đầu mối để giải quyết các mâu thuẫn nhỏ ngay từ khi mới phát sinh, góp phần cùng lực lượng Công an giữ vững bình yên từng địa bàn, từ sớm, từ xa.
Việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động quần chúng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền PCCC dường như cũng được thực hiện đơn giản hơn khi có lực lượng này đi cùng. Những gương mặt quen thuộc, “người cùng làng, cùng xóm” đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa nhân dân với Công an xã.
Với những khó khăn đặc thù của tỉnh miền núi, địa bàn rộng, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đa thành phần dân tộc, tôn giáo cùng cư trú, trình độ nhận thức của một số bộ phận người dân còn chưa cao, đó là một trong những tác động tiêu cực đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.
Trong các hoạt động hỗ trợ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, năm 2023, lực lượng tại chỗ đã xử lý 33,3% các vụ cháy, tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn mà không cần tới sự tham gia của lực lượng PCCC và CNCH chuyên nghiệp. Điều này cho thấy rằng, việc phát huy tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, sử dụng phương tiện, lực lượng tại chỗ hiệu quả đã hạn chế thấp nhất hậu quả đám cháy, không để xảy ra cháy lớn và giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Đơn cử, vào ngày 14/5/2024 xảy ra cháy kho rơm của hộ dân sinh sống tại phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng Công an xã cùng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, đội dân phòng (nay là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở) đã huy động quần chúng nhân dân, tổ liên gia an toàn PCCC chủ động thực hiện các bước chữa cháy, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã nhanh chóng dập tắt được đám cháy, không để xảy ra cháy lan, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.
Việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở là chủ trương đúng đắn, kịp thời, tạo nền móng pháp lý và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, góp phần để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, bảo đảm an ninh trật tự.
Trong thời gian tới, 100% thành viên tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở sẽ được Công an tỉnh Kon Tum đào tạo, tập huấn về chính trị, pháp luật và huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, PCCC và CNCH, quản lý hành chính về trật tự xã hội để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Tin rằng, trong thời gian tới lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở của tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, lớn mạnh, phát huy những kết quả đã đạt được, thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn PCCC, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân./.
Ích Linh/PC07 CAT Kon Tum