Mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, nhất là những thiết bị giảm nhiệt và làm mát. Điều này có thể dẫn tới quá tải hệ thống điện khiến xảy ra chập cháy hiện hữu, đặc biệt là hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh trong khu dân cư…
Hơn 80% vụ cháy, nổ do các sự cố về điện
Theo Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy – Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Đồng Tháp, có thể khẳng định, mùa nắng nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn nhất trong năm. Thời điểm này, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân tăng cao, đặc biệt với các thiết bị công suất lớn, tiêu thụ điện cao như: quạt máy, điều hòa... Nhiều thiết bị điện hoặc sản phẩm sử dụng điện kém an toàn, cùng sự bất cẩn trong quá trình sử dụng thiết bị điện có thể dẫn đến các sự cố quá tải, chập điện và gây ra cháy, nổ.
Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, hơn 80% số các vụ cháy trên địa bàn tỉnh có nguyên nhân liên quan đến điện và các sự cố về điện. Có thể kể đến vụ cháy tại Công ty TNHH MTV may Thiện Nguyên Thành (huyện Thanh Bình) hồi tháng 1/2022, gây thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng do chập điện khiến ngọn lửa cháy lan. Tuy vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng đã làm cháy hoàn toàn nhà xưởng 1.000m2. Hay vụ cháy tại cửa hàng bán quần áo Lan Ngọc (TP Sa Đéc) vào ngày 10/2/2022, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng do kết hợp kinh doanh sản xuất với nhà ở nên khi chập điện dẫn đến cháy nổ.
Bên cạnh nguy cơ cháy nổ do chập điện, việc bất cẩn trong đun nấu, mất cảnh giác trong phòng ngừa cháy nổ; thói quen dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy trong nhà nhưng không cẩn thận kiểm tra độ kín thường xuyên, dẫn đến hở hơi xăng, dầu và gặp tia lửa điện xảy ra cháy...
Nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ trong Nhân dân
Hiện nay, các vụ xảy ra cháy thường là nhà ở và nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, ngoài quan tâm đến công tác kiểm tra, tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng cháy trong Nhân dân, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tuyên truyền quy định pháp luật về công tác phòng, chống cháy nổ để người dân hiểu biết, quản lý tốt việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong sinh hoạt, sản xuất, tránh gây quá tải dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
Đặc biệt, đối với khu vực đông dân cư, thực hiện Kế hoạch số 273/KH-BCA-C07 ngày 1/6/2022 của Bộ Công an về việc tăng cường công tác PCCC&CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 143 “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Đây là mô hình gồm 5 - 15 hộ gia đình (nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau. Mỗi hộ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá vỡ và lắp đặt 1 chuông báo cháy. Khi xảy ra cháy, người dân chỉ cần bấm chuông, hệ thống kích hoạt phòng cháy sẽ thông báo cho các nhà còn lại biết để hỗ trợ kịp thời.
Cùng với Tổ liên gia, tỉnh cũng xây dựng được 143 “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu vực đông dân cư. Điểm chữa cháy công cộng là mô hình đặt tại Ban Nhân dân ấp, phương tiện được bố trí tại mỗi điểm gồm: 2 bình bột chữa cháy, nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC & CNCH; xà beng, kìm cộng lực. Tổ có nhiệm vụ phản ứng kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra tại các khu dân cư.
Qua gần 1 năm thực hiện, 2 mô hình này được đánh giá bước đầu mang lại hiệu quả, phát huy tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình khi xảy ra cháy nổ. Theo kế hoạch, đến ngày 30/6/2023 tỉnh sẽ nhân rộng 400 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 400 “Điểm chữa cháy công cộng”, tiến tới làm tiền đề để thực hiện theo Chỉ thị số 01/CT-TTG ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC trong tình hình mới, trong đó có chỉ tiêu đến ngày 30/12/2023 tất cả các hộ dân trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung đều được trang bị 1 bình chữa cháy và mỗi hộ gia đình sẽ được tập huấn về công tác chữa cháy và kỹ năng thoát nạn.
MN