1. Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, trong 05 năm (từ năm 2019 đến năm 2024) trung bình hàng năm trên cả nước xảy ra bình quân hơn 3000 vụ cháy, nổ trong đó có hàng trăm vụ tai nạn, sự cố dẫn đến cháy, nổ phương tiện giao thông đường bộ. Từ năm 2024 đến tháng 7 năm 2025, đã xảy ra hơn 70 vụ cháy, vụ tai nạn, sự cố dẫn đến cháy phương tiện giao thông cơ giới, khiến 17 người chết và hơn 80 bị thương, gây thiệt hại về tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng; có một số vụ cháy, tai nạn, sự cố phương tiện giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người và thường xảy ra ở những nơi đèo núi, vực sâu hiểm trở hoặc là phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường tại các đô thị tập trung đông dân cư, vào các khung giờ cao điểm gây nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, điển hình các vụ như: Vào lúc 16h00, ngày 17/4/2024, ô tô khách giường nằm 29B-085.82 lưu thông theo hướng từ miền Tây về TP. Hồ Chí Minh khi đến Km30, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương thuộc địa phận huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã bị cháy khiến cho xe khách cháy rụi hoàn toàn, rất may hơn 30 hành khách đã được hướng dẫn thoát nạn an toàn; vào lúc 21h15’, ngày 03/7/2024 xảy ra vụ tai nạn giữa xe bồn chở xăng dầu và xe tải tại Km 50+500 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc địa phận huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương gây cháy hoàn toàn xe bồn và xe tải, làm 01 người chết, 01 người bị thương nặng; vào ngày 08/8/2024 xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa 07 xe ô tô tại cầu Phú Mỹ khiến 03 xe ô tô bốc cháy, bị thương 04 người hay gần đây nhất là vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 09/7/2025 tại km 1672 thuộc địa phận thôn Liêm Hòa, xã Hồng Sơn, tỉnh Lâm Đồng (đoạn qua Bình Thuận cũ) xảy ra vụ cháy xe khách giường nằm 36 chỗ biển số 34B – 00379 do tài xế Nguyễn Văn Việt (48 tuổi, ngụ Hải Dương) điều khiển xe chạy theo hướng Hà Nội-TP.HCM khiến cho chiếc xe khách và toàn bộ tài sản của hành khách trên xe bị thiêu rụi, rất may toàn bộ 27 hành khách trên xe đã kịp thời thoát nạn an toàn.
Thực hiện các quy định của Luật PCCC và CNCH số 55/2024QH15, Nghị định số 105/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và CNCH, trong đó có các nội dung quy định cụ thể về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các lực lượng khác trong Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành[1], khi xảy ra các tình huống cháy, tai nạn, sự cố phương tiện giao thông đường bộ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chủ trì phối hợp với các lực lượng khác có liên quan, trong đó lực lượng Cảnh sát giao thông là một trong những lực lượng nòng cốt phối hợp trong việc hỗ trợ tiếp cận hiện trường, tổ chức lực lượng, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, điều tiết giao thông và bảo vệ hiện trường cháy, tai nạn, sự cố, bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực xảy cháy, tai nạn, sự cố.
Thực hiện theo quy định tại Luật trật tự an toàn giao thông năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ, trong đó có tình huống tai nạn, sự cố phát sinh cháy, đối với lực lượng Cảnh sát giao thông trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cụ thể cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức lực lượng và công cụ, phương tiện nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cứu nạn, cứu hộ. Căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vụ tai nạn giao thông đường bộ, cơ quan Công an có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền để huy động lực lượng, phương tiện giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết. Trường hợp tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến phương tiện giao thông đường bộ chở hàng hóa nguy hiểm, cơ quan Công an chủ trì giải quyết vụ việc phải thông báo ngay cho đơn vị chức năng về giải quyết hóa chất độc hại, vật liệu cháy, nổ; phong tỏa hiện trường nơi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ; tổ chức phân luồng giao thông, cấm người, phương tiện đi vào khu vực tai nạn.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp chặt chẽ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nói chung và công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phương tiện giao thông đường bộ nói riêng, cụ thể như:
- Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông để đưa ra các nội dung quy định, hướng dẫn trong Luật, Nghị định và Thông tư phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện chiến đấu của từng hệ lực lượng. Trong đó, có quy định về trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát giao thông khi nhận được tin báo sự cố, tai nạn đối với các phương tiện giao thông thì khẩn trương triển khai ngay lực lượng, phương tiện đến hiện trường thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Trường hợp xảy ra các tình huống sự cố, tai nạn thuộc tình huống cơ bản trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy thì báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy đến để xử lý và tham gia thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của chỉ huy cứu nạn, cứu hộ.
- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, đường bộ, khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin về vụ cháy hoặc các tai nạn, sự cố dẫn tới cháy, nổ phương tiện giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kịp thời thông báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, triển khai lực lượng, phương tiện đến hiện trường nơi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố để phối hợp thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đồng thời lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức bảo vệ hiện trường, hướng dẫn, điều tiết các phương tiện giao thông không di chuyển qua các tuyến đường quanh khu vực xảy ra vụ cháy, tai nạn, sự cố nhằm giúp lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong quá trình tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ các vụ tai nạn giao thông, các vụ cháy, nổ... được thuận lợi, nhanh chóng, an toàn;
- Phối hợp trong công tác tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông về kỹ năng phương pháp, biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu người bị mắc kẹt trong các phương tiện khi xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn giao thông đường bộ;
- Phối hợp trong công tác tổ chức diễn tập, thực tập các phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ để xử lý các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố, đặc biệt là các phương án giải quyết các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, cần huy động lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức tham gia phối hợp.
2. Qua thực tiễn công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và lực lượng Cảnh sát giao thông trong chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố phương tiện giao thông đường bộ còn một số khó khăn sau:
- Đối với các tình huống cháy, tai nạn, sự cố phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu thông trên đường, đặc biệt là các tuyến đường đô thị tại khu vực đông dân cư, các đô thị, thành phố lớn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận hiện trường và triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, trên tuyến đường đặc thù như đường cao tốc, việc tiếp cận hiện trường của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH rất khó khăn, cần nhiều thời gian. Lực lượng Cảnh sát giao thông có thể nhanh chóng tiếp cận các vụ cháy, tai nạn, sự cố cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đang lưu thông trên các tuyến đường cao tốc nhưng chưa có thiết bị, phương tiện để tiếp cận, tổ chức chữa cháy ban đầu, tìm kiếm và cứu người bị nạn, hướng dẫn người bị nạn thoát ra khỏi phương tiện.
- Trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộban đầu trang bị cho lực lượng Cảnh sát giao thông còn hạn chế; cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông chưa thường xuyên được tập huấn về phương pháp, biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn đối với các vụ cháy phương tiện ngay từ giai đoan ban đầu, đối với tình huống có người bị nạn, người bị mắc kẹt trong phương tiện giao thông đường bộ khi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn nên việc triển khai công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ban đầu còn lúng túng, chưa hiệu quả.
- Việc tiếp nhận, xử lý, chia sẻ thông tin các vụ cháy, tai nạn, sự cố tại một số Công an địa phương chưa được quy định cụ thể, thống nhất giữa hai hệ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và lực lượng Cảnh sát giao thông, dẫn tới việc phối hợp trong triển khai các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vụ cháy, tai nạn, sự cố phương tiện giao thông chưa kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là tại các địa phương chưa xây dựng trung tâm thông tin chỉ huy điều hành để thống nhất việc phối hợp xử lý các vụ cháy, sự cố, tai nạn ngay từ khi tiếp nhận thông tin.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phương tiện giao thông đường bộ giữa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và lực lượng Cảnh sát giao thông đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cụ thể:
Một là, tăng cường phối hợp trong công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, trong đó trọng tâm là triển khai thi hành Luật PCCC và CNCH và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Theo đó, đã luật hóa các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc phát hiện cháy và tổ chức chữa cháy, trong đó có trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát giao thông tham gia phối hợp tham gia, hỗ trợ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong các vụ cháy, tai nạn, sự cố.
Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và lực lượng Cảnh sát giao thông trong tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phương pháp, biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ giai đoạn ban đầu, biện pháp sơ cấp cứu người bị nạn, người bị mắc kẹt trong các phương tiện giao thông khi xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn giao thông đường bộ cho cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ chiến sĩ để kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống cháy, tai nạn, sự cố ngay từ bàn đầu, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do các vụ cháy, tai nạn, sự cố gây ra.
Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và lực lượng Cảnh sát giao thông trong tổ chức diễn tập, thực tập các phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ để xử lý các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố, đặc biệt là các phương án giải quyết các tình huống cháy, sự cố, tai nạn cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia nói chung và đối với phương tiện giao thông đường bộ nói riêng để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác xử lý thông tin, chỉ huy điều hành và tổ chức công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra trong thực tế. Qua đó, đánh giá tính chất, đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ và nguyên nhân dễ dẫn đến sự cố, tai nạn phương tiện giao thông cơ giới trong quá trình tham gia giao thông để chủ động có các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, đồng thời báo cáo, tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an, với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Bốn là, lực lượng Cảnh sát Giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy trong vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ trên phương tiện giao thông cơ giới; tập trung làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, sự cố, tai nạn dẫn đến cháy, nổ phương tiện giao thông cơ giới để khuyến cáo chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện chủ động biện pháp phòng tránh; phối hợp trong công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, huấn luyện và cấp Chứng nhận huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người điều khiển, người áp tải, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới chuyên dùng để vận chuyển hành khách, hàng nguy hiểm cháy, nổ theo quy định của pháp luật.
Năm là, nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp thông tin chỉ huy điều hành thực hiện công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố phương tiện giao thông nói chung, phương tiện giao thông đường bộ nói riêng giữa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và lực lượng Cảnh sát giao thông nhằm kịp thời trao đổi, tiếp nhận và xử lý thông tin các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố ngay tư ban đầu để giúp cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được nhanh nhất, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do các vụ cháy, tai nạn, sự cố gây ra.
Sáu là, nghiên cứu, đề xuất Bộ Công an trang cấp một số phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ bản như bình chữa cháy, chăn chữa cháy, búa, kìm cộng lực, dụng cụ phá dỡ cứu người ban đầu cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần ra, kiểm sát an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc để thực hiện công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn ngày từ ban đầu.
[1] Thông tư số 36/2025/TT-BCA ngày 15/5/2025 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật PCCC và CNCH năm 2024, Nghị định số 105/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và CNCH; Thông tư số 37/2025/TT-BCA ngày 15/5/2025 của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.
Trung tá, TS Nguyễn Bá Tuấn/Cục Cảnh sát PCCC và CNCH