Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác PCCC và CNCH của lực lượng Công an nhân dân, giữ vai trò bảo đảm an toàn cho cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong những năm qua, công tác PCCC và CNCH đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, kiến thức, kỹ năng của người dân trong công tác phòng ngừa cũng như chữa cháy và CNCH, qua đó đã góp phần kiềm chế số vụ cháy, sự cố, tai nạn và thiệt hại gây ra. Lực lượng Công an nhân dân (nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH) đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho các cấp, các ngành chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCCC và CNCH.
Trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đã và đang đặt ra những yêu cầu và thách thức mới trong công tác chữa cháy và CNCH, lực lượng làm nhiệm vụ này phải chuyên nghiệp hóa, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ xác định nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và đã có sự quan tâm, thường xuyên chỉ đạo xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chữa cháy và CNCH trong tình hình mới. Ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao; xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lực bảo vệ an ninh quốc gia đề ra nhiệm vụ: “…Xây dựng Đề án cụ thể, xác định lộ trình củng cố, tăng cường tiềm lực an ninh quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; lộ trình ưu tiên bố trí kinh phí, đầu tư trang bị, phương tiện đối với lực lượng…Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy…”.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đối với nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tích cực triển khai các hoạt động công tác để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, cụ thể:
- Hàng năm Công an các địa phương đã kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức các đợt huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH thường xuyên, định kỳ, nâng cao cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (bao gồm lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ và lái xe làm công tác chữa cháy và CNCH) cơ bản bảo đảm về nội dung, thời lượng và chất lượng huấn luyện theo quy định. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác thường trực về lực lượng và phương tiện 24 giờ/24 giờ theo quy định; phân công chỉ huy, CBCS thường trực hằng ngày với tổng quân số trung bình khoảng 6.030 CBCS và 2.324 phương tiện chữa cháy, CNCH cơ giới các loại, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có cháy, sự cố, tai nạn xảy ra. Lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đã tăng cường thực hiện kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng định kỳ, đột xuất theo quy định, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót đối với các đơn vị, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc.
- Toàn lực lượng đã kịp thời điều động lực lượng, phương tiện tổ chức chữa cháy trung bình khoảng 62,6% tổng số vụ cháy hàng năm (số vụ còn lại được lực lượng PCCC tại chỗ và người dân kịp thời cứu chữa); bên cạnh đó, đã kịp thời điều động lực lượng, phương tiện trực tiếp tham gia CNCH đối với 100% vụ sự cố, tai nạn trên địa bàn khi có yêu cầu. Tính trung bình mỗi năm, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã trực tiếp cứu và hướng dẫn thoát nạn được hàng nghìn người bị nạn trong đám cháy, sự cố, tai nạn; cứu và bảo vệ được hàng nghìn ngôi nhà và công trình, cùng lượng lớn tài sản ước tính được trị giá hàng trăm tỷ đồng và hàng nghìn ha rừng. Đáng chú ý thời gian vừa qua lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo quốc tế vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò và vị thế của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Việt Nam đối với các nhiệm vụ quốc tế.
Cùng với những khó khăn, tác động từ các yếu tố khách quan trên, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng gặp phải thách thức không nhỏ đến từ những khó khăn, bất cấp từ chính lực lượng làm công tác chữa cháy và CNCH. Hiện nay, biên chế của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH còn hạn chế, chưa bảo đảm yêu cầu thực tiễn công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng lớn và phức tạp. Quân số tại đa số các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH còn hạn chế, không bảo đảm yêu cầu công tác thường trực dẫn đến tình trạng cán bộ chiến sĩ phải trực liên tục, ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng và chất lượng thực hiện công tác chữa cháy và CNCH (theo thống kê tổng số cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm công tác chữa cháy và CNCH hiện khoảng 6.792 người trong khi cần bố trí tối thiểu 06 CBCS/tổ trực xe chữa cháy nên rất khó khăn để bố trí thường trực; mặt khác, tình trạng rất thiếu lái xe khi theo thống kê cho thấy tỷ lệ lái xe/tổng số xe hiện là 1.674/1.887, xấp xỉ 0,9 lái xe/01 xe)
Chất lượng công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH chưa đạt yêu cầu do phần lớn cán bộ huấn luyện là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ huấn luyện chuyên trách (thống kê toàn lực lượng chỉ có khoảng 14,7% cán bộ huấn luyện là chuyên trách). Trình độ, năng lực và kinh nghiệm công tác của một bộ phận không nhỏ đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ chữa cháy và CNCH (nhất là số chiến sĩ nghĩa vụ) chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra (do hạn chế về thể lực, kỹ thuật cá nhân, kỹ năng thao tác sử dụng trang, thiết bị phương tiện chuyên dụng, thiếu tính chuyên nghiệp), năng lực tổ chức chỉ huy, điều hành hoạt động chữa cháy và CNCH tại hiện trường (nhất là vụ việc có quy mô lớn, phức tạp) của lãnh đạo, chỉ huy còn hạn chế, thiếu sự linh hoạt, sự phù hợp trong quyết định chiến thuật, phương pháp chữa cháy và CNCH. Tình trạng lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH bị thương vong còn xảy ra, khiến dư luận xã hội quan tâm, lo ngại.
Về phương tiện, thiết bị chữa cháy và CNCH hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy và CNCH trước xu thế phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Tình trạng phương tiện cũ, hư hỏng, không bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH diễn ra phổ biến tại các địa phương (theo thống kê hiện có khoảng 31,7% số xe chữa cháy đã sử dụng trên 20 năm, số xe chữa cháy chất lượng kém, hư hỏng chiếm tới 33,4% không bảo đảm yêu cầu thường trực). Việc đầu tư trang bị phương tiện cho các đơn vị chữa cháy và CNCH còn nhiều hạn chế, tại một số đơn vị (chủ yếu tại Công an cấp huyện) chưa được trang bị phương tiện chữa cháy và CNCH (thống kê hiện còn 94/242 Đội thuộc Công an cấp huyện chưa được trang bị xe chữa cháy, chiếm 38,8%). Bên cạnh đó, trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho cán bộ chiến sĩ chữa cháy và CNCH còn thiếu nhiều, hầu hết trang phục chữa cháy (quần áo, mũ, ủng) đang được sử dụng mới chỉ là quần áo bảo hộ thông thường, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ cán bộ chiến sĩ chữa cháy theo quy định của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12366:2018, dẫn đến nguy cơ mất an toàn, bị thương vong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH.
Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, cơ sở hạ tầng, trụ sở làm việc của rất nhiều đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH đã xuống cấp nhưng nguồn ngân sách sửa chữa, xây dựng còn hạn chế. Cơ sở vật chất huấn luyện của toàn lực lượng hiện vẫn chưa bảo đảm yêu cầu phục vụ công tác huấn luyện (theo thống kê hiện nay gần như cơ sở vật chất tại 63/63 Công an địa phương không đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác huấn luyện do không bảo đảm về sân tập, tháp tập, bể bơi, không có các mô hình huấn luyện, một số đơn vị phải đi thuê, mượn sân bãi ở ngoài để huấn luyện hoặc huấn luyện trong các tuyến đường giao thông, khu dân cư) nên ảnh hưởng không nhỏ đến trình độ, năng lực của cán bộ chiến sĩ. Điều kiện về cơ sở vật chất tại nhiều đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH hiện nay còn khó khăn, bất cập không bảo đảm yêu cầu thường trực theo quy định (có nơi doanh trại phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng với các đơn vị khác hoặc đi thuê, mượn). Chế độ bồi dưỡng, ăn cao khi tập luyện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, CNCH cho cán bộ chiến sĩ chữa cháy và CNCH, đặc biệt là chế độ lương và hưởng phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ lái xe còn nhiều hạn chế, đời sống của nhiều cán bộ chiến sĩ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần của cán bộ chiến sĩ.
Một vấn đề khác tác động không nhỏ đến hiệu quả công tác chữa cháy và CNCH đó là việc bảo đảm về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy và CNCH hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu do có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và yếu tố cộng đồng xã hội. Hệ thống đường giao thông tại các khu đô thị, khu dân cư, tuyến phố lâu đời nhỏ, hẹp, sâu, không bảo đảm về kích thước (chiều rộng, cao, góc cua) cho xe chữa cháy di chuyển diễn ra phổ biến; tình trạng lấn chiếm đường giao thông còn diễn ra ở nhiều nơi; cơ sở hạ tầng ngành điện, viễn thông phát triển chưa khoa học, đồng bộ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chữa cháy và CNCH. Số lượng trụ nước, bể nước chữa cháy và nguồn nước tự nhiên (ao, hồ, kênh, mương) chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho công tác PCCC (theo thống kê hiện nay số lượng trụ nước chữa cháy mới đạt khoảng 30% yêu cầu), trong khi đa số các địa phương chưa phát triển được hệ thống bến, bãi, hỗ lấy nước phục vụ chữa cháy. Tình trạng hệ thống cấp nước PCCC xuống cấp kéo dài xảy ra tại nhiều địa phương do công tác quản lý, bảo trì, duy tu chưa được quan tâm thực hiện.
Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chữa cháy và CNCH trong tình hình mới đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cần tập trung làm tốt vai trò tham mưu và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, làm tốt công tác chính trị tư tưởng trong toàn lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nói chung và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác chữa cháy và CNCH nói riêng. Chính trị tư tưởng là yếu tố quyết định đến chất lượng của lượng hoạt động của lực lượng chữa cháy và CNCH, do vậy trong tình hình mới hiện nay đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ cần thay đổi căn bản tư duy và nhận thức về chức trách, nhiệm vụ và các yêu cầu đối với công tác chữa cháy và CNCH nhằm phát huy truyền thống vẻ vang hơn 60 năm của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, đồng thời thích ứng với các yêu cầu về bản lĩnh và trình độ chuyên môn ngày càng cao hiện nay.
Thứ hai, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cán bộ chiến sĩ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ và cân đối về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật. Đây là lĩnh vực kỹ thuật đặc thù nên đòi hỏi đội ngũ làm công tác này phải có nghiệp vụ chuyên ngành PCCC và CNCH, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy. Do đó, cần tiến hành rà soát lại đội ngũ làm nhiệm vụ chữa cháy và CNCH để phân công, bố trí thực hiện nhiệm vụ một cách hợp lý, bảo đảm về sức khỏe, phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn được đào tạo, hạn chế tối đa việc điều chuyển cán bộ đã được đào tạo chuyên ngành PCCC, CNCH sang lĩnh vực khác.
Trong giai đoạn hiện nay, biên chế của toàn lực lượng Công an nhân dân còn hạn chế, do vậy bên cạnh việc xây dựng lực lượng đủ mạnh cần đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác PCCC và CNCH, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm giảm thiểu hoạt động trực tiếp của con người; huy động tối đa nguồn lực của các ngành, địa phương, tổ chức kinh tế - xã hội phối hợp thực hiện công tác PCCC và CNCH. Tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế và trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ công nghệ hiện đại của thành tựu nghiên cứu khoa học trên thế giới kết hợp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn tại các nước có trình độ chuyên môn cao về công tác chữa cháy và CNCH.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác chữa cháy và CNCH nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó cần tập trung: (1) Nghiên cứu, rà soát các điều khoản của Luật PCCC, Nghị định về PCCC và CNCH, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản khác có liên quan còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn công tác chữa cháy và CNCH để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất khi áp dụng; (2) Bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy và CNCH của lực lượng PCCC như quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng chữa cháy và CNCH, quy định về các điều kiện bảo đảm cho hoạt động chữa cháy và CNCH (trong đó có chế độ, chính sách, bồi dưỡng cho lực lượng làm nhiệm vụ chữa cháy và CNCH, đặc biệt là đội ngũ lái xe) và quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tới công tác chữa cháy và CNCH.
Thứ tư, đổi mới chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH nhằm nâng cao trình độ, năng lực công tác của cán bộ chiến sĩ, phải xác định đây là vấn đề then chốt nhằm thay đổi về "chất" để tạo nên tính "chính quy, tinh nhuệ" của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong thời kỳ hiện đại. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thật sự xuất sắc, tiêu biểu về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, lối sống, làm gương để cán bộ chiến sĩ học tập, noi theo. Đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, tăng nội dung huấn luyện thực hành gắn với tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện về ngoại ngữ, tin học và tri thức về khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong thời kỳ hội nhập quốc tế để cán bộ chiến sĩ có đủ khả năng làm chủ phương tiện, thiết bị hiện đại, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, tăng cường công tác xây dựng và thực tập, diễn tập các phương án chữa cháy, CNCH phối hợp nhiều lực lượng tham gia xử lý các tình huống cháy có quy mô lớn, phức tạp để tạo tính chủ động trong công tác chữa cháy và CNCH, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống cháy, sự cố, tai nạn, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Thứ sáu, chủ động làm tốt công tác tham mưu, báo cáo UBND cấp tỉnh, lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ dành nguồn lực thích đáng cho công tác PCCC và CNCH trong đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, doanh trại và các điều kiện phục vụ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (đặc biệt là điều kiện về huấn luyện nghiệp vụ như sân tập, tháp tập, mô hình, bể bơi … và các điều kiện phục vụ thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH); bảo đảm về chế độ, chính sách cho cán bộ chiến sĩ chữa cháy và CNCH; đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, CNCH hiện đại và đầu tư trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân cho cán bộ chiến sĩ nhằm đảm bảo tính an toàn, chuyên nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế, xã hội nước ta và góp phần đưa lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiến lên chính quy, hiện đại đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác chữa cháy và CNCH trong tình hình mới.
Thứ bảy, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo về chữa cháy và CNCH, tăng cường cử cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNH Việt Nam tham gia tập huấn, huấn luyện tại các nước có trình độ PCCC và CNCH tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nghiệp vụ công tác chữa cháy và CNCH tại Việt Nam cũng như tham gia các nhiệm vụ Quốc tế khi có yêu cầu./.
Phòng 5-Phòng 6/Cục Cảnh sát PCCC và CNCH