Hơn 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các lực lượng trong và ngoài ngành, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đã khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng nòng cốt trên mặt trận phòng, chống giặc lửa. Chủ động nắm, phân tích, đánh giá tình hình, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, giải pháp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH, kiềm chế gia tăng số vụ và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng được đẩy mạnh; theo đó, đã hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao...; nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm như dầu khí, xăng dầu, điện, hóa chất, dệt may... được mở rộng và phát triển. Bên cạnh đó, cùng với tác động tiêu cực của các yếu tố an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, an ninh mạng đang đặt ra những vấn đề, thách thức mới cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH và xây dựng lực lượng.
Đứng trước những yêu cầu của thực tiễn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động tham mưu, làm tốt công tác PCCC và CNCH, bảo vệ tính mạng của Nhân dân, tài sản của Nhà nước, góp phần giữ gìn an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Công tác PCCC và CNCH được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an quan tâm toàn diện về mọi mặt, bằng việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, chiến lược như: Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015, Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư; Luật PCCC năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020, Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10/9/2021, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ,... Trong thẩm quyền, Bộ Công an ban đã hành nhiều chỉ thị, thông tư, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn diện các mặt nghiệp vụ PCCC và CNCH. Bên cạnh đó, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực PCCC và CNCH được xây dựng, hoàn thiện với trên 200 quy chuẩn, tiêu chuẩn trực tiếp và liên quan. Qua đó, tạo hành lang pháp lý vững chắc trong việc tổ chức thực hiện. Triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, công tác PCCC và CNCH đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua khảo sát, phân tích, đánh giá cho thấy, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, cụ thể như:
(1) Nhiều cơ sở sản xuất dây chuyền đã cũ, lạc hậu, dẫn đến trong quá trình hoạt động phát sinh nguy cơ cháy, nổ cao; quy mô sản xuất càng mở rộng dẫn đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu, khí đốt, năng lượng điện, vật tư hàng hóa dễ cháy ngày càng tăng, nguy cơ cháy, nổ càng hiện hữu; tác động của yếu tố an ninh phi truyền thống, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nắng nóng, khô hạn kéo dài đang có những tác động tiêu cực tới diễn biến tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn…
(2) Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật PCCC và CNCH của một bộ phận người dân, người đứng đầu cơ sở chưa cao, tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn tình trạng cắt giảm kinh phí, chi phí đầu tư cho việc đảm bảo an toàn PCCC và CNCH; các cơ sở chưa thực sự chủ động trong bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho người lao động trong để chủ động xử lý các tình huống khi cháy, nổ xảy ra; tại một số địa phương, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm và triển khai quyết liệt các quy định của pháp luật, chỉ đạo của cơ quan cấp trên về PCCC và CNCH.
(3) Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH, tuy nhiên đội ngũ cán bộ, chiến sĩ còn thiếu. Qua khảo sát, đánh giá thực tế cho thấy, quân số tại các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH chưa bảo đảm yêu cầu thực tiễn; mạng lưới các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH còn mỏng; tại một số Công an cấp huyện cán bộ, chiến sĩ ngoài thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH còn kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác. Bên cạnh đó, trình độ nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ còn hạn chế, chưa đồng đều dẫn đến có nơi, có lúc việc triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn còn hạn chế, lúng túng, chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng và tiến độ.
(4) Phương tiện phục vụ công tác chữa cháy, CNCH tại nhiều địa phương còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; nhiều phương tiện, thiết bị đã xuống cấp, hết hạn sử dụng, không đảm bảo để chữa cháy, CNCH (số xe chữa cháy đã sử dụng trên 20 năm chiếm khoảng 27,1% tổng số xe, xe chất lượng kém, hư hỏng chiếm tới 33,9%); phương tiện, thiết bị bảo vệ cá nhân cán bộ, chiến sỹ khi tham gia chữa cháy, CNCH chưa mang tính chuyên dụng, đặc biệt là khi chữa cháy, CNCH trong điều kiện nhiệt độ cao, đám cháy hóa chất hoặc khi CNCH đối với các sự cố tai nạn dưới tầng hầm, hố sâu, các công trình cao tầng, siêu cao tầng…
Từ những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn nêu trên, đặt ra nhiệm vụ cấp thiết phải xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đã được thể hiện trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, như: Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị: “…Xây dựng Đề án cụ thể, xác định lộ trình củng cố, tăng cường tiềm lực an ninh quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; lộ trình ưu tiên bố trí kinh phí, đầu tư trang bị, phương tiện đối với lực lượng…Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy…”, Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư: “Tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…”, Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV: “Tăng cường xây dựng lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chú trọng phát triển mạng lưới các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại các địa bàn, khu vực trọng điểm…”, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ: “Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy và các phương tiện, thiết bị khác bảo đảm về số lượng và chất lượng, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy…”, Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ: “Bộ Công an kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại…”. Đặc biệt, ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án thành phần “Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, với những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể từ nay đến năm 2030.
Bốn nội dung “thật sự trong sạch, vững mạnh”, “chính quy”, “tinh nhuệ”, “hiện đại” là một chỉnh thể thống nhất trong mục tiêu xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong sạch, vững mạnh toàn diện; có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tương tác lẫn nhau nên cần được xây dựng đồng bộ, không được coi nhẹ nội dung nào, như vậy mới bảo đảm tính thống nhất từ tư tưởng đến hành động, từ nhận thức đến tổ chức thực tiễn. Trong đó, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH “hiện đại” trong giai đoạn hiện nay thể hiện ở những nội dung cơ bản sau: (1) Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có trình độ, được đào tạo chuyên sâu, có năng lực tư duy sắc sảo, tác phong làm việc khoa học theo kịp quá trình phát triển, đổi mới của đất nước; có khả năng ứng dụng có chọn lọc những kinh nghiệm, kiến thức tiên tiến của khu vực và quốc tế vào các lĩnh vực công tác, chiến đấu, nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ mới. (2) Được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện khoa học - kỹ thuật hiện đại; có hệ thống lưu trữ, tra cứu sử dụng các thông tin tư liệu khoa học hoàn chỉnh, hiện đại, ứng dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin, thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ phục vụ hiệu quả yêu cầu công tác, chiến đấu.
Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới gắn với mục tiêu xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH “hiện đại”, cần tập trung giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tham mưu tổ chức tổng kết 22 năm thi hành Luật PCCC, 10 năm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Trong đó, tập trung đánh giá về hiệu lực thi hành, những ưu điểm, hạn chế và bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; làm rõ nguyên nhân của những ưu điểm và hạn chế, bất cập. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án “Luật PCCC và CNCH” để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, quy định cụ thể việc đầu tư, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH “hiện đại”.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng mới, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC và CNCH bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cần tập trung đánh giá tính khả thi khi áp các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành; những yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn công tác PCCC và CNCH cần phải điều chỉnh bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật… Để kịp thời nghiên cứu, ban hành và ứng dụng trong thực tiến cho phù hợp, hiệu quả.
Ba là, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Trong đó, kiện toàn mô hình tổ chức, biên chế của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; phân công, phân cấp thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ rõ ràng, rành mạch, tránh chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; phân công, bố trí vị trí công tác cho cán bộ, chiến sỹ phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn đào tạo.
Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ đầu tư, mua sắm trang thiết bị chữa cháy, CNCH hiện đại, đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong điều kiện đặc biệt (như: Thiết bị bay không người lái; rôbốt chữa cháy, CNCH…); trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho cán bộ, chiến sỹ (như: Trang phục chống nóng, chống hóa chất, phóng xạ…) để đáp ứng tốt hoạt động chữa cháy, CNCH đối với các tình huống sự cố, tai nạn, cháy, nổ lớn, phức tạp.
Bốn là, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác PCCC và CNCH, đặc biệt là nâng cao năng lực đề xuất các giải pháp phòng cháy đối với các công trình quy mô lớn, cơ sở sản xuất có dây chuyền công nghệ mới, hiện đại; nâng cao năng lực về mặt chiến thuật, kỹ thuật, phương pháp xử lý những tình huống sự cố, tai nạn cháy, nổ, lớn, diễn biến phức tạp; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC và CNCH chính quy, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững pháp luật, giỏi về nghiệp vụ, có tinh thần chiến đấu cao, sẵn sàng vượt khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm là, nghiên cứu đổi mới hình thức, nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án của Bộ Công an về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo giục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới”; phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH trong các cơ sở giáo dục để dần hình thành một nền tảng vững chắc trong toàn xã hội về kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH và coi đó là kỹ năng sinh tồn đối với mỗi cá nhân ở mọi lứa tuổi.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực PCCC và CNCH với các nước có nền khoa học, kỹ thuật phát triển; tranh thủ các nguồn viện trợ, nguồn vốn ODA đầu tư nâng cao tiềm lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; chủ động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác chuyên môn, chú trọng ứng dụng công nghệ AI, công nghệ số; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ việc sản xuất, lắp ráp các loại trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH nhằm từng bước chủ động về công nghệ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản xuất các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH./.
Phòng Tham mưu/ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH